Du lịch nông nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt

Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa độc đáo sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt, góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự đoán, đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tỷ lệ tăng hằng năm từ 10 – 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.

Tại Trung Quốc, loại hình du lịch nông thôn kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn đã xuất hiện tại tỉnh Hà Bắc và ngoại ô Thủ đô Bắc Kinh từ những năm 90 của thế kỷ trước và đã trải qua 4 giai đoạn, như tự phát, phát triển bước đầu, phát triển khá nhanh và đi vào nền nếp. Đến nay, du lịch nông thôn kết hợp nghỉ dưỡng đang trong xu thế phát triển nhanh chóng.

Nhìn về phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam, những dấu ấn du lịch những năm qua đã cho thấy, du lịch nông thôn đã có được hướng đi đúng đắn gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa địa phương.

1

Làng du lịch thông minh đã chủ động đưa du khách đến với địa phương một cách có hiệu quả

Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình “Làng du lịch thông minh” (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là nơi con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, “cây chen lá, đá chen hoa”. Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sống trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế”.

Chiến lược của phát triển du lịch bền vững

Việt Nam có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long… Tất cả đều dựa trên sự liên kết của hai ngành nông nghiệp và du lịch tạo ra sức hấp dẫn mới của sản phẩm du lịch nông thôn hướng đến sự phát triển du lịch bền vững cho địa phương.

Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần chú ý tới quy hoạch, trong đó cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả và phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số…

2

Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa

Theo đó, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Đặc biệt, cần thay đổi cách thức quảng bá, giới thiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở cả tầm quốc gia và địa phương; mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc nhằm thu hút du khách…

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái đang là hướng đi của các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tại Lai Châu, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ông Vương Thế Mẫn – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho biết, từ việc bản làng được xây dựng khang trang sạch đẹp sẽ nâng caao ý thức trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, môi trường bản làng, theo đó, các giá trị văn hóa bản làng được bảo tồn và phát huy theo hướng đoàn kết: Vàng Pheo, Lao Chải, Mô hình trồng hoa Tân Uyên, Sìn Hồ… Dự kiến trong năm nay, tỉnh đón khoảng 820 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 600 tỉ đồng và góp phần mang lại công ăn việc làm cho người dân địa phương.

 3

Ngành Nông nghiệp tạo ra các sản phẩm tinh hoa, cung cấp cho ngành Du lịch sử dụng, khai thác

Ngoài ra, các địa phương đang sở hữu những mô hình du lịch nông thôn hấp dẫn, độc đáo như: Thưởng ngoạn mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh); trải nghiệm trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên); trải nghiệm miệt vườn Cù lao Mây (Vĩnh Long); thăm mùa lúa chín tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)…

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mục tiêu của chương trình được xác định cụ thể là “đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Lượng khách tham gia hoạt động du lịch nông thôn ngày một tăng. TS. Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội đều khẳng định, thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Sự kết nối chặt chẽ của hai ngành sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt. Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa, cung cấp cho ngành Du lịch sử dụng, khai thác.

Theo Tiến sĩ, về bản chất, đây chính là quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn nhưng vẫn giữ được văn hóa làng quê Việt, thúc đẩy việc tạo ra các “miền quê đáng sống” với môi trường, kiến trúc xanh cho cư dân tại chỗ, thu hút nguồn đầu tư từ cư dân đô thị, nhất là sau đại dịch Covid-19. Sự gắn kết giữa hai ngành thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển chiều sâu cho chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA

icon back to top