Bất động sản công nghiệp đón cơ hội từ dòng vốn mới

Tính đến ngày 20/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành kinh doanh BĐS tiếp tục đứng thứ 2, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, đặc biệt lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 80% ở khu vực phía Bắc và 85% ở khu vực phía Nam. Giá thuê đất hàng năm cơ bản ổn định và tăng khoảng 5 – 7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc có sức hấp dẫn lớn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Chong Chee Keong – Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tiếp tục xây dựng 3 chiến lược thu hút đầu tư là đa dạng hoá sản phẩm, tiêu chuẩn ESG và cuối cùng là nâng cao dịch vụ, chăm sóc khách hàng gồm đẩy nhanh đẩy nhanh thủ tục, cấp giấy phép và pháp lý”.

Bất động sản công nghiệp đón cơ hội từ dòng vốn mới - Ảnh 1.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, đặc biệt lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Ảnh minh họa 

Bà Dương Thị Xuân Nương – Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho hay: “Chúng tôi cũng có những khu công nghiệp vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư về quy hoạch. Chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện thành lập các khu công nghiệp này, trước mắt tạo những quỹ đất trong khu công nghiệp, tạo ra những cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư”.

Lý giải về sức hấp dẫn của Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng Việt Nam đã tổ chức khá tốt hệ thống, mạng lưới nhà kho, nhà xưởng xây sẵn. Hiện cả nước có khoảng 15 tổ chức tham gia triển khai, nhiều gấp đôi các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra sự thuận lợi về vị trí địa lý, hay lực lượng lao động dồi dào cũng là những yếu tố tạo sức hút.

“Khi đặt hết tất cả các nước lên bảng so sánh từ góc nhìn của nhà sản xuất, những yếu tố thuận lợi của Việt Nam như vị trí địa lý rất chiến lược, nguồn lao động dồi dào và chất lượng tốt dễ đào tạo. Cũng như cam kết của Chính phủ trong việc trong việc hỗ trợ hết mình việc thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất”, bà Trang Lê – Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam nhận định.

JLL cũng dự báo, dòng vốn mới đầu tư trong thời gian tới tiếp tục đến từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản… Đây là nhóm khách không chỉ cần quỹ đất mà còn yêu cầu dịch vụ đi kèm, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Do đó, để nắm bắt dòng vốn này các khu công nghiệp cần nâng cao chất lượng và đặc biệt là chú trọng yếu tố xanh, bền vững theo tiêu chuẩn ESG.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA

icon back to top